Lươn là loại hải sản khá quen thuộc với người Việt. Thịt lươn thơm, mềm và giàu dinh dưỡng. Chính vì vậy nhu cầu tiêu thụ lươn ở trong nước luôn rất tốt. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện có khá nhiều mô hình nuôi lươn được các hộ gia đình áp dụng. Từ những đặc tính của từng phương pháp kết hợp với kinh nghiệm của người chăn nuôi đã giúp người nông dân chắt lọc được những ưu điểm của các mô hình nuôi truyền thống và phương pháp mới, từ đó mang lại năng xuất cao nhất.
Vậy hiện nay đang có những mô hình nuôi lươn nổi bật nào? Đặc điểm của nhưng mô hình nuôi này là gì? Tất cả sẽ được chúng tôi giới thiệu trong chuyên mục mô hình trại thủy sản.
Mô hình nuôi lươn trong đất
Trong môi trường này, lươn không bị thay đổi môi trường sống tự nhiên vốn có. Đất được cho vào bể nuôi với diện tích thông thường là 4 x 10 (m). Trong bể cần có lỗ thoát nước và thay đất vào bể (đất là đất sét hoặc đất thịt). Ụ đất trong bể cao từ 0,4 – 0,6m, cách thành bể nửa mét để thoát nước và cho lươn ăn.
Mô hình nuôi lươn bằng lục bình
Hình thức nuôi này cũng mang lại hiệu quả kinh tế nhưng thời gian xuất bán dài hơn so với nuôi đất từ 10 – 15 ngày. Điểm chú ý của mô hình này ta có thể tận dụng chuồng heo cũ trải bạt vào để nuôi hoặc trải bạt trong ao đất. Không nên trải bạt trên mặt đất như phương pháp nuôi trong đất vì nhiệt độ cao có thể làm lươn bị sốc nhiệt và chết. Cần tạo ống thoát nước có lỗ khoang nhỏ hơn thân lươn để khi thay nước lươn không ra ngoài được.
Mô hình nuôi lươn bằng dây nylon
Đây là mô hình đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Nhưng điểm cần chú ý là khi thả giống là: lươn nuôi bằng mô hình này phải được thuần hóa trước nếu đem lươn từ mô hình nuôi đất qua thì lươn dễ phát bệnh và bỏ ăn. Vì vậy để đạt được hiệu quả chăn nuôi tốt nhất, bà con nên chú ý vấn đề này.
Mô hình nuôi lươn bằng rơm
Đây là cách cổ truyền. Tuy nhiên bà con cần chú ý là rơm phải được ngâm lâu ngày và xả sạch. Cần xả đến khi nào rơm hết ra màu thì thôi. Ao nuôi cũng được xây dựng và như mô hình nuôi lươn trong dây nylon.
Mô hình nuôi lươn kiểu mới
Ngoài cách nuôi lươn dưới bùn, đất hay bằng rơm truyền thống, mô hình nuôi lươn kiểu mới (nuôi công nghiệp, nuôi không bùn) là sáng tạo mới của người nông dân đã và đang được áp dụng phổ biến tại các hộ gia đình
Cách nuôi mới này khắc phục được nhược điểm diện tích hẹp. Lươn có thể nuôi trong bể, trong bồn. Thức ăn cho lươn là cám viên, cám công nghiệp, cá, cua hay ốc biêu vàng xay nhỏ cho vào cũi thả trực tiếp trên mặt nước, lươn sẽ tự động ngóc đầu lên tìm thức ăn. Cách này giúp giữ nước trong bể, bồn sạch sẽ và lâu phải thay thế hơn.
Đối với lươn sinh sản, bể nuôi được xây cao hơn. Phía trong bể lát mịn để không xước da lươn. Làm chỗ trú ẩn cho lươn trên mô đất nhỏ được đắp giữa bể bằng cách thả bèo, rau muống hay trồng khoai nước. Chỗ trú ẩn cho lươn làm tổ và sinh con. Cần lưu ý thêm vào hai tháng mùa mưa đầu năm, là thời điểm sinh sản; khi xuất hiện bọt trắng nổi lên mặt nước, cần vớt lươn con thường xuyên để chúng không bị lươn bố mẹ ăn thịt.
Muốn cho lươn tăng trưởng và sinh sản tốt có thể dùng thêm thuốc tăng trọng bổ sung gồm Vitamin C và men tiêu hóa (2 muỗng café/1kg thức ăn), Premix (thuốc tăng trọng thủy sản – 4 muỗng cafe/1kg thức ăn).
Nuôi lươn kết hợp nuôi trùn quế
Hiện nhiều bà con đang áp dụng mô hình nuôi lươn với trùn quế được nuôi trong từng luống phân bò. Khi chúng phát triển sẽ thả lươn giống vào trong. Cách làm này không tốn công đầu tư chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do trùn lâu phát triển nên thời gian nuôi kéo dài. Nếu áp dụng phương pháp này, có thể kết hợp cho lươn ăn thức ăn nhân tạo.
Với mô hình này, lươn phát triển mạnh hơn vào mùa hè. Nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 15 – 10oC, chúng ít ăn hoặc có thể ngừng ăn, ngừng sinh trưởng. Lươn sẽ chết nếu nhiệt độ trên 36oC, nếu sống trong nước bẩn chúng cũng rất dễ nhiễm bệnh và chậm lớn. Môi trường lý tưởng nhất là 22 – 28oC. Chu kì sinh sản của lươn từ 8 – 12 tháng, số lượng từ 400 – 600 trứng/lần.
Đổi mới trong cách nuôi truyền thống, nuôi lươn không bùn vừa giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lại cho lãi suất cao gấp 5 – 6 lần phương pháp nuôi cũ. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả cao cho các hộ nuôi lươn. Khi nuôi cần quan sát và tìm hiểu các đặc tính của chúng để dễ dàng trong việc chăm sóc, phòng bệnh. Đồng thời áp dụng mô hình thích hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.