Mô hình nuôi vịt Xiêm được tạo nên khá đơn giản lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vịt Xiêm cũng là một loại gia cầm dễ nuôi và ít bệnh tật, có giá trị thương phẩm cao. Tuy nhiên nếu muốn thu được lợi nhuận cao nhất khi chăn nuôi vịt Xiêm thì người nông dân cần phải nắm những yêu cầu kỹ thuật cơ bản. Trong đó, hai yêu cầu kỹ thuật cơ bản và quan trọng nhất đó là yêu cầu kỹ thuật về chuồng nuôi và thức ăn cho vịt Xiêm. Ngoài ra, chương trình phòng bệnh theo số ngày tuổi của vịt Xiêm cũng khá quan trọng và cần thiết để vịt Xiêm được khỏe mạnh và cho chất lượng thương phẩm cao nhất.
Nuôi vịt Xiêm mang lại hiệu quả kinh tế cao
Vịt Xiêm dễ nuôi, kháng bệnh tốt, ít bệnh tật, tăng trưởng nhanh; tỷ lệ thịt xẻ cao, thịt có màu đỏ thơm ngon, hấp dẫn. Lúc trưởng thành con trống có trọng lượng: 4 – 6 kg, con mái từ 3 – 4 kg. Sau 7 – 8 tuần nuôi là có thể giết thịt. Có thể cho vịt Xiêm ăn thức ăn công nghiệp; kết hợp với các loại phụ phẩm nông nghiệp để tiết kiệm chi phí.
Yêu cầu kỹ thuật đối với chuồng nuôi vịt Xiêm
Loại chuồng nuôi vịt Xiêm
Thường nuôi trên chuồng sàn gạch, sàn xi măng, sàn dưới, mật độ thay đổi theo lứa tuổi. Tuần thứ 1: 14 – 15 con/m2, tuần thứ 2: 10 – 12 con/m2, tuần thứ 3: 6 – 7 con/m2, các chất độn chuồng thường sử dụng: trấu, rơm, cỏ khô. Trong 3 tuần đầu có thể không cần sử dụng chất độn chuồng.
Từ tuần 4 trở đi lần đầu rải chất độn chuồng dày khoảng 8 – 10 cm. Kết hợp sử dụng “Đệm lót sinh học” để các vi sinh vật có lợi phân hủy phân nước tiểu trên nền chuồng nuôi, tiêu diệt nguồn bệnh hại cho Vịt, giảm mùi hôi thối. Sau đó định kỳ rải thêm chất độn chuồng khô (tùy mức độ dơ của chất độn chuồng).
Nhiệt độ chuồng nuôi
Nên bố trí sao cho nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, nhất là trong thời gian 3 tuần đầu tiên. Nhiệt độ thích hợp trong ô chuồng 3 tuần đầu tiên như sau: Tuần thứ 1: 25 – 30 độ C, tuần thứ 2 và thứ 3 là 23 -17 độ C. Có thể dùng bóng đèn điện, lò sưởi điện, sưởi ga để sưởi ấm. Vịt Xiêm cần chiếu sáng liên tục trong ngày. Có thể sử dụng một bóng đèn điện 60W chiếu sáng cho 12 m2 nền chuồng.
Yêu cầu kỹ thuật đối với thức ăn của vịt Xiêm
Nguồn thức ăn
Nguồn thức ăn khá dồi dào, phong phú; thậm chí có thể tận thu từ phụ phẩm của một số nông sản khác. Cách này giúp bà con tiết kiệm chi phí chăn nuôi vịt bằng cám công nghiệp trung bình từ 30 – 50%. Hơn nữa, thức ăn đầu vào được kiểm soát chặt chẽ sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, độc tố cho vịt.
Lượng thức ăn
Tuần 1, lượng thức ăn bình quân 30g/con/ngày, nước uống 0,22 lít/con/ngày; tuần 2: 110 g, 0,6 lít, tuần thứ 3: 170 g – 0,66 lít, tuần thứ 4: 190 g, 0,68 lít, tuần thứ 5: 210 g, 0,85 lít, tuần thứ 6: 230 g, 1,2 lít, tuần thứ 7-8: 260 g, 1,5 lít.
Chương trình phòng bệnh cho vịt Xiêm
Chương trình phòng bệnh cho vịt Xiêm sẽ tùy theo số ngày tuổi. Cụ thể như sau:
- 1 – 2 ngày tuổi: phòng bệnh viêm rốn, E.coli, thương hàn, tăng cường chức năng gan. Sử dụng Imequyl 20%, liều dùng 1 ml cho 15 kg thể trọng, Heparenol (2 ml/lít nước uống).
- 5 – 7 ngày tuổi: pha Vitaperros vào nước uống để cung cấp các loại vitamin cần thiết, liều dùng 1 g/10 lít nước uống.
- 10 ngày tuổi: tiêm dưới da hay tiêm bắp vacxin dịch tả vịt Vaxiduk với liều dùng 0,5 ml/con.
- 14 – 15 ngày tuổi: pha vào nước uống để bổ sung chất khoáng và giải độc tố nấm Vetophos (5 ml/lít), Heparenol (2 ml/lít).
- 21 – 23 ngày tuổi: pha vào nước uống Super Layer (2 g/lít); để cung cấp Vitamin, nhất là Vitamin nhóm B.
- 28 ngày tuổi: tái chủng ngừa vacxin dịch tả Vaxiduk; tiêm dưới da hay tiêm bắp với liều dùng 0,5 ml/con.
- 29 – 30 ngày tuổi: chống stress, giải độc gan và tăng cường chức năng thận; bằng cách pha vào nước uống Phosretic (1g/lít), Heparenol (2ml/lít).
- 35 – 36 ngày tuổi: pha vào nước uống Vitaperos (1 g/10 lít) để bổ sung các Vitamin.
- 43 – 45 ngày tuổi: pha vào nước uống để bổ sung chất khoáng và giải độc tố nấm Vetophos (5 ml/lít), Heparenol (2ml/lít).
- 56 – 57 ngày tuổi: pha vào nước uống Vitaperos (1 g/10 lít).