Nước ta có tiềm năng trong ngành chăn nuôi vịt rất lớn. Trong những năm gần đây các mô hình chăn nuôi vịt cũng được phát triển nhiều và ngày càng lớn mạnh. Một trong những mô hình chăn nuôi vịt đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay là mô hình nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp. Với mô hình này thì người nông dân có thể chăn nuôi vịt quanh năm, với những giống vịt thịt cao sản cho năng suất cao. Bên cạnh đó mô hình này sẽ áp dụng các phương pháp chăn nuôi hiện đại để thu được vịt thịt thương phẩm có chất lượng cao. Cùng tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp qua bài viết sau đây.
Nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp là gì?
Kỹ thuật nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp là phương thức chăn nuôi hiện đại, nuôi được quanh năm, người ta thường chọn nuôi các giống vịt thịt cao sản, có thể sản xuất quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng cao. Nhìn chung, người chăn nuôi thường nuôi vịt 7-8 tuần tuổi thì mổ thịt.
Kỹ thuật nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp
Kỹ thuật chọn giống
Chọn giống vịt nuôi có đặc điểm ngoại hình của giống như vịt C.V.Super M siêu thịt, vịt Anh Đào … Chọn những vịt con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, không dị tật khuỳnh chân, nghẹo đầu, không hở rốn, không bết lông … vịt mới nở có khối lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn của giống là từ 50-55g/con. Chọn vịt giống ở đàn giống bố mẹ khoẻ mạnh không bệnh tật, được nuôi dưỡng tốt…
Kỹ thuật làm chuồng nuôi
Vịt con trong 2 tuần đầu: Nuôi trên nền gạch, xi măng, hoặc sàn lưới. Sàn lưới cao cách nền chuồng 0,8-1, vịt lớn nuôi nền gạch, xi măng. Chuồng vịt phải rải chất độn rơm, cỏ khô, phôi bào dày 8-10cm và định kỳ rải thêm lớp chất độn khô, thay chỗ bị ẩm.
Cần chú ý để nền chuồng khô ráo, vì vịt thường làm ướt chất độn do thói quen uống nhiều nước (gấp 3 lần so với gà) nên phân lỏng, đặc biệt vịt rất thích vục tắm trong máng uống làm nước té ra ngoài. Tốt nhất nên dành riêng một chỗ có ống thoát nước kề sàn lưới để đặt máng uống trong ô chuồng. Nếu chất độn ướt vịt con sẽ bị rét, lông bẩn, nấm mốc mọc, vi khuẩn có hạt phát triển.
Mật độ nuôi vịt thịt
Mật độ nuôi sẽ khác nhau và thay đổi theo số tuần tuổi của vịt. Cụ thể như sau:
- Vịt ở tuần thứ nhất: 14-15 con/m2
- Vịt ở tuần thứ 2: 10-13 con/m2
- Vịt ở tuần thứ 3: 6-7 con/m2
- Vịt ở tuần thứ 4-8: 4-5 con/m2
Trong 3 tuần đầu thì chuồng nuôi chưa cần rải chất độn cho vịt, từ tuần thứ 4 rải khoảng 2/3 nền.
Quy định về nước uống và tắm vịt
Nuôi vịt thịt theo phương pháp công nghiệp không bắt buộc phải có nước bơi, có mương máng, ao cạnh chuồng, do vậy nên quy định thời gian cho vịt tắm, không cho vịt bơi lội nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trọng. Nước uống của vịt phải được đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nước uống phải đảm bảo có đầy đủ suốt ngày đêm, vịt không thể ăn mà không có nước uống. Vịt thường vừa ăn vừa uống, ăn một ít lại đến máng nước uống, rồi lại ăn. Trong 2-3 ngày đầu, nên hoà vitamin tổng hợp vào nước cho vịt con uống để vịt nhanh nhẹn ham ăn.
- Nước phải đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh máng uống hàng ngày, máng treo nâng dần theo độ lớn của vịt, đấy máng nước uống cần luôn luôn cao ngang lưng vịt, mức nước trong máng không được thấp hơn dưới 1cm.
- Nước uống không lạnh quá dưới 12 độ C cho vịt tuần đầu, không dưới 8-10 độ C ở tuần tuổi 2, 3 nhưng cũng không quá 20-22 độ C.
Sưởi ấm cho vịt
Nhiệt độ để sưởi ấm cho vịt
Trước khi chuyển vịt đến nuôi phải sưởi. Mùa ấm sưởi 2 tuần, mùa lạnh sưởi 3-4 tuần:
- Đối với vịt ở tuần thứ nhất: nhiệt độ 35-42 độ C
- Đối với vịt ở tuần thứ hai: nhiệt độ từ 23-18 độ C
- Đối với vịt ở tuần thứ 3: nhiệt độ từ 18-17 độ C.
Kỹ thuật sưởi ấm cho vịt
Công việc sưởi ấm rất quan trọng cho vịt con nhất là tuần đầu; sưởi ổn định suốt ngày đêm bằng chụp sưởi. Chụp sưởi được gắn bóng điện, dây may so; hoặc sưởi bếp than, củi, bếp ga; 4 bóng đèn 60W cho 1 quây hoặc bóng mờ 300 – 500W. Vịt con thường đứng gần chụp sưởi hơn gà con; nên khi dùng chụp sưởi của gà để sưởi cho vịt cần điều chỉnh độ cao thích hợp. Tốt nhất nên dùng gas để sưởi cho vịt để sản sinh hơi nước; làm tăng độ ẩm không khí chuồng nuôi rất tốt cho vịt con trong tuần đầu.
Quây nhốt vịt làm bằng cót phủ bao tải có đường kính 4-4,5m; cao 0,5-0,7m; mỗi quây nhốt khoảng 280 – 300 vịt con; phải đảm bảo kín để tránh gió lùa; nhưng phải thoáng, không trùm kín phía trên quây. Chiếu sáng cho vịt thịt 1 – 8 tuần tuổi: Tuần đầu 23 giờ/ngày, cường độ 5W/m2; rồi giảm xuống dần 4W/m2 nền chuồng. Tuần thứ 2 trở đi 2W/m2; rồi 0,25/m2 nền chuồng vào những tuần cuối.
Nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn
Loại thức ăn
Dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dạng bột cho vịt; tốt nhất là thức ăn dạng viên k1ch cỡ 1,5 – 2mm; tuyệt đối không cho vịt ăn thức ăn bị mốc vì vịt rất mẫn cảm với độc tố aflatoxin gây chết hàng loạt vịt con. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh chỉ dùng trong 2-3 tuần (nếu bao bì tốt, khô ráo có thể để 1-2 tháng) không dự trữ lâu hơn. Vịt nuôi nhốt, cho ăn tự do; nuôi thâm canh phải bảo đảm cho vịt ăn được nhiều nhất; để vịt có tốc độ tăng trọng cao nhất. Vịt tăng trọng nhanh, thông thường 7-8 tuần tuổi các giống vịt thịt đạt khối lượng 2,8-3kg.
Dinh dưỡng trong thức ăn
Khẩu phần thức ăn phải cân đối theo nhu cầu dinh dưỡng, chú ý chọn nguyên liệu không mốc nhất là ngô, khô lạc nhân, … cân đối protein thực vật và động vật để tiết kiệm chi phí. Tuỳ theo nguyên liệu có được để lập khẩu phần cho phù hợp, thóc có thể thay ngô, khô đỗ tương hay khô lạc nhân, bổ sung vitamin, khoáng vi lượng đầy đủ. Tiếp tục theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều thông tin hấp dẫn nhé.