Tôm thẻ chân trắng là loại hải sản được ưa chuộng. Giống tôm này phát triển tốt và cho năng suất cao. Hiện có rất nhiều mô hình nuôi tôm được ứng dụng. Mỗi mô hình có những ưu điểm và lợi thế khác nhau. Hiện tại ở tỉnh Thái Bình cũng đang cho triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Hiện mô hình đã mang lại hiệu quả tốt về sản lượng và cả giá trị kinh tế.
Để có thêm thông tin về mô hình này, mời bà con cùng chúng tôi tìm hiểu thêm thông tin trong mục mô hình trại thủy sản.
Quy mô triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Thái Bình
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có tổng diện tích quy hoạch là 10.000 m2, gồm 03 ao nuôi, mỗi ao 1.000 m2; 01 ao ương 300 m2; hệ thống ao chứa, lắng và xử lý nước nuôi 5.000 m2; hệ thống ao chứa và xử lý nước thải 700 m2; hệ thống công trình phụ trợ (nhà kho, nhà điều hành, đường giao thông…) diện tích 1.000 m2.
Mô hình ứng dụng quy trình nuôi tôm 02 giai đoạn, tuần hoàn khép kín tái sử dụng nước; hạn chế tối đa việc xả nước thải; chất thải trong quá trình nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học; phân tôm được thu gom và xử lý triệt để trên hệ thống Biogas nên không gây ô nhiễm môi trường; tận dụng khí gas làm cho môi trường nuôi luôn trong sạch, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.
Thời gian nuôi quanh năm theo hình thức gối vụ. Trung bình cả ương nuôi 2,5 tháng/vụ, 1 năm nuôi được 5 – 6 vụ.
Hiệu quả kinh tế và xã hội mà mô hình mang lại
Hiệu quả kinh tế trung bình tính cả diện tích hỗ trợ: Chi phí sản xuất/vụ khoảng 814 triệu đồng; thu hoạch: 1.440 triệu đồng; lãi mô hình/1 vụ: 625 triệu đồng; Lãi mô hình/1 năm (5 vụ): 3.128 triệu đồng. Đây là những con số tích cực cho thấy hiệu quả khi sử dụng mô hình này trong chăn nuôi tôm chân trắng.
Hiệu quả xã hội: Mô hình là cơ sở để nhân dân trong tỉnh tham quan, học tập và mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. Cơ sở liên kết với các hộ dân trong vùng, cung cấp con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và tiếm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Tổng kết
Việc ứng dụng mô hình trên đã giúp cho Doanh nghiệp và người dân nuôi tôm thẻ chân trắng nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiệu quả, bền vững. Từ đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giúp ổn định an ninh trật tự xã hội; đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của ngành và của địa phương, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nuôi tôm của tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Vừa rồi là những thông tin về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Mong rằng những thông tin vừa rồi sẽ cung cấp cho bà có thêm thông tin về mô hình chăn nuôi mới và hiện đại. Từ đó giúp giúp bà con có thêm lựa chọn mới để phát triển mô hình chăn nuôi thủy sản của mình.