Chăn nuôi ngỗng sư tử đang rất phát triển tại Việt Nam. Thịt ngỗng sư tử ngon, lại mang giá trị dinh dưỡng cao nên ngày càng được ưa chuộng hơn. Bên cạnh đó, việc nuôi ngỗng lại phù hợp với tập quán chăn thả tại các cánh đồng làng quê. Người nông dân nuôi ngỗng cũng khá nhàn vì tập tính về thức ăn của loài này cũng khá đơn giản. Bà con có thể dễ kiếm hoặc tạo thức ăn cho chúng vì thức ăn của chúng thì hầu hết tại các vùng quê đều sẵn có. Tuy nhiên để ngỗng thương phẩm đạt được chất lượng tốt nhất và giảm thời gian chăn nuôi thì bà con cần tìm hiểu về tập tính thức ăn của loài này để bổ sung thức ăn cho đúng.
Thức ăn để nuôi ngỗng sư tử
Nguồn thức ăn
Thức ăn nuôi ngỗng rất đa dạng, được chia thành các nhóm khác nhau:
- Nhóm thức ăn tinh bột: thóc, ngô, kê, cao lương, cám gạo…
- Nhóm thức ăn thô xanh: cỏ mọc tự nhiên (cỏ hòa thảo, cỏ gà, cỏ chỉ, cỏ mật, cỏ ba lá…), cỏ voi, cỏ sả, thân lá cây lạc, cây bình linh…; Khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải, bầu bí, thân cây chuối…
- Nhóm thức ăn giàu protein: đậu tương, lạc, đậu mèo, đậu xanh, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc…; Nguồn protein động vật như: bột cá, bột máu, bột thịt xương, bột đầu tôm…
- Nhóm thức ăn cung cấp chất khoáng và vitamin: bột vỏ sò, vỏ hến, vỏ trứng, đá vôi, bột xương động vật, premix khoáng; Các loại premix vitamin được phép sử dụng theo tiêu chuẩn của nhà nước TCVN – 3142 – 79.
Cách kết hợp thức ăn cho ngỗng sư tử
Ngỗng sư tử là loại gia cầm có khả năng tăng trọng rất nhanh; chỉ sau 10 – 11 tuần nuôi, khối lượng cơ thể đã tăng gấp 40 – 45 lần so với khối lượng cơ thể lúc mới nở. Với ngỗng khi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tốc độ lớn sẽ là kỷ lục; song nếu nguồn thức ăn chỉ là cỏ, rau xanh và các loại củ hạt do ngỗng tự tìm kiếm; hoặc nông hộ chỉ cho ăn hạn chế thì ngỗng vẫn phát triển bình thường nhưng chậm hơn.
Ngỗng có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh. Con ngỗng được ví như một cỗ máy xén cỏ, khả năng vặt cỏ của ngỗng tốt hơn bò; ngỗng có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ; ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại từ cỏ tranh đến lục bình ngỗng đều ăn được. Thức ăn cho ngỗng giống, vịt trời, gà…đều có thể chế biến với phương pháp trộn.
Thức ăn để nuôi ngỗng sư tử sinh sản
Thời gian sinh sản của ngỗng sư tử
Ngỗng cái đẻ trứng lúc khoảng 8 tháng tuổi, tuy vậy, những con nở sớm vào vụ xuân có thể đẻ sớm hơn do nhận được ánh sáng ngày dài hơn, thời tiết ấm dần lên và thành thục sớm hơn. Chúng có sức đẻ rất lớn từ khoảng 40 – 50 quả/năm. Ở Việt Nam, nhu cầu của những phụ nữ mang thai muốn ăn trứng ngỗng bồi bổ với mong muốn con sẽ thông minh, khỏe mạnh là rất cao cho nên trứng ngỗng giá đắt.
Dự trữ thức ăn cho ngỗng sinh sản
Thông thường ngỗng sư tử sinh sản theo mùa vụ; vụ đẻ kéo dài từ tháng mười đến tháng tư năm sau; nên các bà con cần dự trữ các loại thức ăn phù hợp phục vụ cho ngỗng sinh sản có đủ thức ăn; tránh việc đi xa kiếm ăn ảnh hưởng tới việc sinh sản đẻ trứng của ngỗng. Trứng có khối lượng khá to, nặng 160 – 180g.
Nuôi ngỗng cho hiệu quả kinh tế rất cao vì không tốn chi phí thức ăn của ngỗng; không mất chi phí quá tốn kém cho việc xây dựng chuồng trại… giá ngỗng thịt lại cao và không bị lên xuống như nhiều loài giống vật nuôi khác. Vậy nên mô hình này đang rất phát triển.