Bệnh Marek ở gà là bệnh truyền nhiễm do một loại virus của nhóm herpes là mầm bệnh làm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng như rối loạn vận động và bại liệt ở gà. Virus này có nguye cơ lây lan cao và tồn tại trong vài tháng ở nhiệt độ môi trường từ 20-25 độ C. Ở thể cấp tính, gà thường chết đột ngột mà không có triệu chứng nào. Có các trường hợp gà sẽ ủ rủ và gầy yếu trước khi chết. Ở thể mãn tính triệu chứng thường sẽ xuất hiện ở mắt, gà sẽ đi lại khá khó khăn. Hãy cùng chuyên mục các bệnh ở gà thịt để tìm hiểu thêm về nguyên nhân và cách nhận biết bệnh Marek ở gà qua bài viết này nhé!
Nguyên nhân gây bệnh
Marek là bệnh truyền nhiễm của gà do một loại virus thuộc nhóm herpes gây ra. Tất cả các loại gà đều mẫn cảm với bệnh. Gà thường mắc bệnh sau 6 tuần tuổi, xảy ra chủ yếu ở độ tuổi 8 – 24 tuần tuổi. Ngoài gà còn có ghi nhận bệnh sảy ra trên thủy cầm và các loại chim. Bệnh có đặc điểm là sự tăng sinh cao độ tế bào lympo dưới hình thức khối u ở tổ chức thần kinh ngoại biên, các cơ quan nội tạng, da và cơ làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động và bại liệt.
Đường lây truyền
Bệnh có thể lây lan nhanh, mạnh trên đàn gà vì virus có trong các nang lông. Sau khi nhiễm bệnh 14 ngày, gà con đã lây bệnh cho nhau. Virus có thể tồn tại nhiều tháng trong môi trường ở nhiệt độ 20-25 độ C và hàng năm ở 4 độ C.
Khi xâm nhập vào đàn, virus có khả năng lây lan nhanh giữa gia cầm chưa được tiêm phòng. Gà nhiễm bệnh tiếp tục mang trùng và là nguồn lây bệnh trong thời gian dài. Virus có thể lan truyền rất xa trong không khí. Bệnh lây trực tiếp từ gà ốm sang gà khoẻ bằng đường hô hấp và lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi và cơ sở ấp trứng có chứa mầm bệnh. Bệnh không lây qua phôi.
Triệu chứng
Bệnh tiến triển chủ yếu ở hai thể cấp tính và mãn tính.
- Thể cấp tính: Chủ yếu ở gà 4 – 8 tuần tuổi, có thể sớm hơn. Bệnh ít có triệu chứng điển hình, ngoài hiện tượng chết đột ngột. Tỷ lệ chết thường cao, có khi tới 20 – 30%, thường thể hiện triệu chứng ủ rũ và gầy yếu trước khi chết. Gà thường bỏ ăn, ỉa phân lỏng và giảm tỷ lệ đẻ, đi lại khó khăn, bại liệt, sã cánh một bên do viêm dây thần kinh vận động.
- Thể mãn tính (thể cổ điển): Chủ yếu xảy ra ở gà 4 – 8 tháng tuổi thường ở hai thể, thể thần kinh và thể mắt. Thể thần kinh, gà bệnh đi lại khó khăn, liệt nhẹ rồi dần dần bại liệt hoàn toàn. Đuôi gà có thể bị rủ xuống hoặc lệnh sang một bên. Cánh sã xuống một bên hoặc cả hai bên. Thể viêm mắt, trong nhiều ổ dịch, gà thường viêm mắt. Bệnh bắt đầu bằng hiện tượng viêm mắt nhẹ. Gà tỏ ra rất mẫn cảm với ánh sáng, chảy nước mắt trong. Dần dần viêm màng tiếp hợp rồi viêm mống mắt. Mủ trắng đóng dầy khoé mắt, khả năng nhìn kém dần, không mổ trúng thức ăn và cuối cùng có thể bị mù.
Bệnh tích
Thể cấp tính: Từ ngoài vào trong chúng ta nhận thấy da gà sần sùi, lỗ chân lông nở to và dày lên từng cục. Tiếp đến là các khối u ở nội tạng như: gan, lách, thận, phổi, buồng trứng, dịch hoàn…
Thể u lan tràn: U thường có ở gan, lách, thận, phổi, buồng trứng, túi fabricius, dịch hoàn … gan, lách sưng to hơn nhiều lần so với bình thường, nhạt màu và bở.
Thể u hạt: Khối u ở thể hạt làm mặt gan sần sùi với nhiều nốt to nhỏ không đồng đều nhau màu trắng xám. Trường hợp khối u ở đường tiêu hóa như dạ dày tuyến, thành ruột, sẽ làm tổ chức này dày lên. U ở cơ làm tổ chức cơ phồng to, mặt cắt khối u màu trắng xám do thâm nhiễm bạch cầu.
Thể mãn tính: bệnh tích chủ yếu là hiện tượng viêm tăng sinh các dây thần kinh ngoại vi. Dây thần kinh hông, thần kinh cánh bị sưng to. Có khi to hơn 4 – 5 lần so với bình thường và có thể bị phù thũng. Ngoài bệnh biến ở tổ chức thần kinh còn một số bệnh tích khác. Như các cơ bị teo, mắt mù, con ngươi biến dạng.
Dễ nhầm lẫn với bệnh Lơ-cô và bệnh Niu-cat-xơn
Khối u ở bệnh Marek ở gà không có ranh giới với cơ quan bình thường. Và lát cắt khô không đều màu, đôi khi có điểm tụ huyết. Hoặc xuất huyết đây là đặc điểm phân biệt với bệnh Lơ-cô (Leuco).
Còn bệnh Niu-cat-xơn đặc trưng bởi những điểm xuất huyết bề mặt. Ở thực quản, dạ dày tuyến, dạ dày cơ. Và không tạo khối u ở nội tạng như bệnh Marek.