Bệnh sán lá ruột là một bệnh thường xảy ra chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á (như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ…). Tại Việt Nam, bệnh sán lá ruột ở heo chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ nhiễm ở người rất thấp. Những nơi có nhiều ao hồ, cây thủy sinh dùng làm thức ăn cho người và gia súc sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh.
Bệnh sán lá ruột có những triệu chứng lâm sàng dễ nhìn thấy như là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, bị tiêu chảy và thậm chí có hiện tượng phù nề (bụng bị chướng to hoặc phù trên toàn thân). Hãy cùng tìm hiểu về bệnh sán lá ruột thường xảy ra ở heo cùng với cách phòng và điều trị bệnh qua bài viết được chia sẽ bên dưới để có thêm kiến thức trong việc chăn nuôi gia súc.
Nguyên nhân gây bệnh sán lá ruột ở heo
Do loại sán lá Fasiolopsis buski gây ra ( dân gian gọi là sán tai hồng, sán bã trầu). Thường 70% heo nuôi ở các gia đình theo phương pháp cũ, cho heo ăn bèo, rong, rêu sống đều mắc bệnh sán lá ruột. Nông dân áp dụng phương thức chăn nuôi mới làm cho bệnh giảm đáng kể và ít nguy hại hơn.
Sán trưởng thành có hình dẹt, thân phình ra thon lại ở 2 đầu. Ký sinh ở ruột non. Trứng theo phân ra ngoài với điều kiện thích hợp trứng nở thành ấu trùng ký sinh ở ký chủ trung gian ốc, phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Kén bám vào thân cỏ, rau, bèo và heo ăn phải sẽ nhiễm sán lá ruột. Khi vào ruột heo, kén phát triển thành sán trưởng thành.
Nguồn lây nhiễm bệnh sán lá ruột ở heo
- Ổ chứa: người và lợn là vật chủ chính của sán lá ruột, trong đó chủ yếu là lợn.
- Thời gian ủ bệnh: thời gian từ khi xâm nhập vào cơ thể đến khi thành sán trưởng thành có khả năng gây bệnh mất khoảng 90 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 3 tháng, sán lá ruột trưởng thành ký sinh trong ruột và đẻ trứng, trứng sẽ được bài xuất ra ngoài theo phân, nếu được rơi xuống nước sẽ phát triển thành ấu trùng lông và vào ốc thành bào ấu, khoảng 5 tuần sau thành ấu trùng đuôi bám vào các rau thủy sinh và có khả năng lây truyền bệnh.
Triệu chứng của bệnh sán lá ruột
Heo kém ăn, gầy yêu do suy dinh dưỡng, lông xù dựng do sán hút hết dinh dưỡng, chậm lớn, tăng trọng kém, heo thường xuyên ỉa chảy, phân có mùi tanh, ngủ hay nghiến răng. Lợn nái nuôi con nhiễm sán nặng làm cho lượng sữa giảm, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu.
Độc tố của sán tiết ra gây rối loạn tiêu hóa heo con như: táo bón xen kẽ phân lỏng; heo còi cọc, chậm lớn.
Hướng dẫn cách phòng và điều trị bệnh sán lá ruột ở heo
Phòng bệnh
- Không cho heo ăn rau, bèo, rong, rêu sống.
- Vệ sinh môi trường diệt sán trong phân bằng cách quét dọn vệ sinh tiêu độc định kỳ.
- Ủ phân diệt trứng giun sán, diệt ký chủ trung gian như ốc bằng nước vôi 10% hay đồng sulfar ( CUSO4) 0,05%.
- Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, thường xuyên cho heo ăn thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Khi cho heo ăn thức ăn xanh, rau xanh cần phải rửa sạch để khô nước.
- Tẩy giun sán định kỳ 3 tháng 1 lần Han-Dertil-B, 1 viên cho 40-50kg TT.
Điều trị bệnh
- Han-Dertil-B, 1 viên cho 40-50kg TT.
- Nitroxinil ( Dovenix, Fasciolid), tiêm 1ml/25 kg TT.
- Những thuốc tẩy sán lá ruột heo thường rất độc nên khi dùng phải chú ý; không nên tẩy sán lá ruột cho heo con và lợn nuôi công nghiệp; vì chúng ít khi nhiễm sán lá ruột.