Với cách làm đào ngâm dưới dây đảm bảo những miếng đào làm ra sẽ vô cùng đẹp mắt, thơm giòn, thanh mát và bảo quản được lâu.
Đào ngâm và trà đào là hai món ăn, thức uống rất được chị em ưa chuộng, bày bán tràn lan ở các cửa hàng. Vì món ăn này khá dễ làm nên gần đây được các chị em lựa chọn làm tại nhà vừa an toàn, vệ sinh lại tiết kiệm chi phí. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn cách làm đào ngâm giòn ngon, bảo quản được lâu và cách pha trà đào tại nhà giúp giải nhiệt cơ thể.
Cách làm đào ngâm
Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Đào tươi: 2 kg.
– Đường phèn: 1 kg
– Chanh: 1/4 quả
– Muối
Các bước làm đào ngâm
Bước 1: Tách đào
– Chuẩn bị 1 thao nước, cho muối vào.
– Dùng dao tách đào làm đôi hoặc làm tư. Từ phần cuốn, khứa theo chiều dọc của quả đào, sau đó tách nhẹ nhàng, bỏ hạt.
– Cho phần đào vừa tách vào chậu nước muối. Tiếp đến gọt sạch phần vỏ, rửa sạch và vớt ra để ráo. Lưu ý, phần vỏ rửa sạch và giữ lại dùng để nấu nước đào.
Bước 2: Nấu nước đường
– Cho đường phèn vào nồi, đổ nước vào hơi ngập đường và nấu đến khi tan ra. Khi đường sôi, vắt chanh vào. Mở lửa nhỏ đến khi đường ngã sang màu nâu thì tắt bếp. Lưu ý, không để màu nước đường quá đậm vì khi ngâm nước đào dễ bị đắng.
– Tiếp tục cho 1 lít nước vào nồi đường, mở lửa to và khuấy đều để đường tan hết. Lưu ý lượng nước gấp đôi lượng đường hoặc canh chỉnh sao cho nước đường ngập phần đào khi ngâm.
Bước 3: Nấu đào với nước đường
-Cho vỏ đào vào nước đường đang sôi, đun khoảng 5 phút, vớt bỏ vỏ. Bước này giúp nước đào thơm hơn.
– Sau đó cho đào vào luộc 7-10 phút. Khi miếng đào có dấu hiệu trong veo thì vớt ngay ra thau nước đá, ngâm khoảng 5 – 6 phút, tiếp đến vớt đào ra để ráo nước, bỏ phần nước đá. Sau đó cho vào túi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 1 giờ.
Bước 4: Ngâm đào
– Khi nước đường nguội hẳn, chuẩn bị lọ có nắp đậy bằng nhựa hoặc thủy tinh, cho đào vào lọ, sau đó cho nước đường vào.
– Ngâm bên ngoài khoảng 2 giờ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Một vài lưu ý khi làm đào ngâm
– Lựa đào tươi, chín đỏ nhưng còn cứng. Nếu đào còn xanh, ruột sẽ không vàng, khi nấu lên sẽ không có màu sắc đẹp, bắt mắt. Có thể chọn đào Sapa sẽ ngon hơn.
– Có thể dùng đường cát nhưng đường phèn sẽ có độ thanh mát, giúp giải nhiệt cơ thể tốt hơn.
Cách chọn mua đào ngon
- Khi mua đào bạn nên chọn mua quả đào có màu đỏ sậm xen lẫn các đường kẽ màu vàng. Đào tươi có cuống còn tươi mới, lớp lông tơ bên ngoài đều, chưa bị rụng, nếu là đào trơn thì không nên chọn quả quá nhẵn bóng vì có thể đã bị nhiều người nắn bóp, dễ bị dập bên trong.
- Bên cạnh đó, đào chín ngon có mùi thoang thoảng đặc trưng. Cầm quả đảo trên tay thấy có độ cứng, chắc, đều thì đào sẽ giòn ngọt hơn.
- Không mua những quả đào bị mềm nhũn, bầm dập nhăn nheo, không có mùi thơm.
- Để làm đào ngâm thì bạn nên mua đào có vỏ màu vàng đỏ kèm với lớp lông phủ đều đặn, và quả cần phải có độ cứng để ngâm giòn ngon hơn.
Mẹo thực hiện thành công
- Nếu muốn để đào lâu bạn không cần ngâm đào qua nước đá lạnh, điều này sẽ khiến đào không thể để được lâu, dễ nổi váng và nhanh bị mùi. Đây cũng là lí do phải tiệt trùng lọ sạch sẽ trước khi cho đào vào bảo quản.
- Trước khi nấu đào, ngâm đường qua đêm trong tủ lạnh giúp đào tiết ra nước cốt bên trong được nhiều hơn và khi nấu lên mùi thơm hơn nhiều so với việc không ngâm qua đường mà mang đi nấu luôn.
- Khi đào nguội cho vào lọ, đậy kín và bảo quản ngăn mát tủ lạnh, sử dụng sau 24 tiếng.
- Khi dùng thìa múc đào, thìa phải sạch, khô ráo. Dùng thìa không sạch làm đào nhanh hỏng hơn.
- Không sử dụng đường nâu thay cho đường cát trắng hoặc đường vàng (đỏ) vì mùi đường nâu sẽ át mùi của đào, màu sắc cũng sẽ không đẹp và thành phẩm cũng không ngon.
- Lựa đào phải chọn đào cứng, chắc tay, đào bị mềm sẽ rất khó tách hoặc tách ra được thì số lượng thịt đào cũng sẽ bị hụt nhiều.
- Ngâm với đường qua đêm đến 14 tiếng cũng giúp đào không bị mềm.
- Thắng caramel vừa phải để khi nấu xong màu sẽ đẹp. Nếu lỡ thắng quá lửa thì khi nấu xong bạn vắt vào nước cốt 1 trái chanh sẽ giúp nước cốt nhạt màu hơn.
- Nước cốt đào ngâm không thể thay cho siro đào trong pha chế thức uống.
Giới thiệu 3 cách làm trà đào tại nhà
Cách làm trà đào truyền thống
Nguyên liệu:
– Đào ngâm: 4 lát
– Nước đào ngâm: 20 ml
– Trà đào túi lọc hiệu Cozy: 1 túi
– Nước đường: 25 ml
– Nước sôi: 100 ml
– Si rô đào: 15 ml
– Lá bạc hà
– Đá viên
Các bước làm trà đào truyền thống:
Bước 1: Ngâm trà túi lọc với nước sôi trong 3 phút.
Bước 2: Cho nước trà, nước đường, nước đào ngâm, si rô đào vào ly thủy tinh khấy đều
Bước 3: Chuẩn bị 1 ly khác, cho đào ngâm vào đáy ly, cho đá viên vào. Sau đó cho hỗn hợp trà đào pha sẳn vào. Cho thêm 2 lát đào, lá bạc hà lên trên để trang trí.
Cách làm trà đào cam sả
Nguyên liệu:
– Đào ngâm: 2 lát
– Nước đào ngâm: 10 ml
– Trà đào túi lọc hiệu Cozy: 2 túi
– Nước đường: 25 ml
– Nước sôi: 150 ml
– Cam: 1 quả
– Sả: 3 cây
– Lá bạc hà
– Đá viên
Các bước làm trà đào cam sả:
Bước 1: Sả đã bóc vỏ, đập dập đun sôi với nước, sau đó dùng rây lọc lấy nước sả.
Bước 2: Cam cắt đôi, một nửa vắt lấy nước, một nửa dùng để trang trí.
Bước 3: Ngâm trà túi lọc với nước sôi trong 3 phút.
Bước 4: Cho nước trà, nước đường, nước đào ngâm, nước cam, nước sả vào ly thủy tinh khấy đều
Bước 5: Chuẩn bị 1 ly khác, cho đào ngâm vào đáy ly, cho đá viên vào. Sau đó cho hỗn hợp trà đào cam sả pha sẳn vào. Trang trí bằng 2 lát cam, lá sả, lá bạc hà.
Cách làm trà đào mâm xôi
Nguyên liệu:
– Đào ngâm: 2 lát
– Nước đào ngâm: 20 ml
– Trà đào túi lọc: 1 túi
– Nước đường: 25 ml
– Nước sôi: 100 ml
– Si rô mâm xôi: 15 ml
– Thạch dừa
– Hạt chia
– Lá bạc hà
– Đá viên
Các bước làm trà đào mâm xôi:
Bước 1: Ngâm trà túi lọc với nước sôi trong 3 phút.
Bước 2: Ngâm cho hạt chia nở ra.
Bước 3: Cho nước trà, nước đường, nước đào ngâm, si rô mâm xôi vào ly thủy tinh khấy đều.
Bước 4: Chuẩn bị 1 ly khác, cho đào ngâm vào đáy ly, cho thạch dừa, hạt chia, đá viên vào. Sau đó cho hỗn hợp trà đào pha sẳn vào. Trang trí bằng 2 lát đào ngâm và lá bạc hà.
Với cách làm đào ngâm và cách làm trà đào như trên hy vọng sẽ giúp bạn thực hiện thành công trong lần đầu tiên.
Chúc bạn thành công với cách làm đào ngâm cũng như 3 cách làm trà đào trên!