Trong những năm vừa qua trên thế giới, bệnh viêm da nổi cục đã lây nhiễm nhanh từ nước này sang nước khác. Bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện tại các tỉnh ở Trung Quốc nên bệnh đã lây sang nước Việt Nam.
Việc bệnh viêm da nổi cục lây sang Việt Nam là điều sớm muộn vì việc buôn bán, vận chuyển cũng như tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc ở các tỉnh miền Bắc vẫn xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, mầm bệnh bệnh viêm da nổi cục đã vào Việt Nam và lây lan ở một số tỉnh thành trong nước. Hãy theo dõi bài viết được chia sẽ bên dưới để hiểu hơn về bệnh viêm da nổi cục và tham khảo cách phòng và điều trị bệnh này.
Nguồn gốc của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) , tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease (LSD), còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do virut thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus (cùng chi với virut gây bệnh đậu dê, cừu).
Bệnh VDNC là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi. Từ năm 2012, bệnh đã lây lan nhanh sang Trung Đông, châu Âu, Nga, Kazakhstan…
Từ năm 2013 đến nay, bệnh VDNC đã lây lan sang một số nước Châu Á, Trung cận Đông, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc,…
Từ tháng 10/2020 bệnh đã xảy ra trên nhiều tỉnh thành trong nước ta.
Virut có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 65oC trong 30 phút, 55oC trong 2 giờ,. nhạy cảm với môi trường a xít; tồn tại ở pH 6,6-8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 37oC, nhưng dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát trùng như Iodine, Virkon, Formalin,….
Động vật cảm nhiễm chính là trâu, bò. Virut viêm da nổi cục không nhiễm và gây bệnh trên người. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%; tỷ lệ chết khoảng 1-5%.
Nguyên nhân lây lan bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh thường xẩy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh. Gây thiệt hại do sản lượng sữa giảm mạnh; giảm khả năng sinh sản; sẩy thai; tổn thương da; giảm tăng trọng; gia súc có thể chết; gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển, thương mại.
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như:
- Thời gian ủ bệnh 2-5 tuần.
- Gia súc non là đối tượng dễ mắc nhất
- Sốt cao, có thể trên 41°C.
- Con bệnh bỏ ăn, giảm nhai lại, suy nhược, gầy yếu.
- Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt.
- Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt
- Sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).
- Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm rắn chắc, nhô cao trên da, mô dưới da và nhiều ở vùng đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu.
- Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
- Các mụn nước, nót hoại tử, vết loét có thể thấy ở màng nhầy đường tiêu hóa, viêm xuất huyết màng phổi và nốt sần trong phổi, khí quản, miệng và đường tiêu hóa.
- Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn. Bò chửa có thể sảy thai, rối loạn động dục.
- Một số trâu, bò bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virut trong máu; và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu
Biện pháp phòng và trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Cách phòng bệnh
- Chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh để can thiệp, hỗ trợ.
- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruỗi; muỗi; côn trùng hút máu;…) tại khu vực chuồng nuôi:
- Vệ sinh: Thường xuyên quét dọn chuồng trại sạch sẽ, thu dọn phân, rác thải chăn nuôi để xử lý.
- Khử trùng, tiêu độc: Dùng thuốc tiêu độc khử trùng: Hanlusep BGF hoặc Han-Iodine10% hoặc Hankon WS phun 2-3 lần/tuần.
Tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…):
- Dùng Han-Resis hoặc Hantox-200, Hanpec-50: pha 1 lít/40-50 lít nước phun 500-1000 m2 chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi (phun cả lên gia súc)
- Dùng Hantox-spray: Xịt trên gia súc để diệt ve, rận.
Sử dụng vacxin phòng bệnh:
- Dùng vắc xin viêm da nổi cục phòng bệnh (vắc xin này nước ta chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu từ nước ngoài)
- Dùng vắc xin đậu dê có thể đạt bảo hộ phòng bệnh 85-90% (do virut gây bệnh viêm da nổi cục cùng họ với virut gây bệnh đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gien di truyền cao); nhưng phải tiêm vắc xin liều cao gấp 5-10 lần mới cho hiệu quả phòng bệnh.
Cách trị bệnh
- Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chữa triệu chứng và phòng nhiễm khuẩn kế phát.
- Nhiễm khuẩn thứ phát, tiêm Stepen LA (1 ml/25 kg TT.) hay Hanoxylin LA (1 ml/10 kg TT.) tác dụng 72 giờ, hoặc Hamogen (1 ml/10 kg TT.).
- Nếu kế phát ký sinh trùng máu dùng: Azidin 1,18 g/150 kg TT., hoặc Trypanosoma 1 lọ/500 kg TT.
- Kết hợp thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt: Hetdau: 1 ml/30 kg TT; ngày tiêm 1 lần, liên tục 3-5 ngày. Thuốc bổ nâng cao sức đề kháng, trợ sức, trợ lực: Han-Tophan, B-complex, Multivit-Forte,..
- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.