Bệnh đỏ chân, hay còn được gọi là bệnh lở loét đỏ chân hoặc bệnh đốm đỏ đùi, đây là một trong những loại bệnh phổ biến ở ếch. Tác nhân gây bệnh này đó là do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Khi bị bệnh, ếch di chuyển chậm, ăn ít, xuất hiện những nốt chấm đỏ ở trên chân và vùng da dưới bụng. Khi mổ bụng ếch sẽ thấy tình trạng chảy máu trong và có nước ở trong ổ bụng, gan bị bầm và đọng máu. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bệnh lở loét và đỏ chân trên ếch qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây bệnh lở loét, đỏ chân trên ếch
Môi trường nuôi không tốt: Đây là yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc nuôi ếch thành công hay thất bại. Một số yếu tố môi trường như chất đất, nước bị ô nhiễm nặng sẽ là những nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh ở ếch. Ao nuôi ếch bị nhiễm bẩn do nhiều nguyên nhân; như là nguồn nước lấy vào không tốt, phân ếch thải ra; thức ăn thừa không được lấy đi hàng ngày; không có nguồn nước để bổ sung, thay thế khi ao quá ô nhiễm.
Mật độ nuôi quá cao: Nuôi với mật độ quá dày làm cho môi trường nhanh bị ô nhiễm; ếch cạnh tranh nhau về thức ăn; chỗ ngủ theo hướng bất lợi cho cả bầy đàn.
Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn chất lượng kém làm ếch còi cọc; tăng trưởng chậm, sức đề kháng kém. Thức ăn bị ôi thiu, ẩm mốc có thể gây ngộ độc cho ếch, đặc biệt là Aflatoxin B1.
Con giống chất lượng kém: Nhiều người nuôi ếch không thành công là do mua con giống ở những cơ sở không có uy tín. Con giống kém cũng là nguyên nhân rất đến thất bại khi nuôi ếch.
Triệu chứng của bệnh lở loét, đỏ chân trên ếch
Ếch bị bệnh sẽ xuất hiện những nốt chấm đỏ trên thân; gốc đùi có tụ huyết, chân bị sưng, ếch bỏ ăn, chậm di chuyển, lờ đờ; giải phẫu thấy có hiện tượng xuất huyết trong ổ bụng; trong xoang bụng thường thấy máu và dịch lỏng màu vàng. Khi dịch bệnh xảy ra, nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời ếch sẽ chết hàng loạt.
Phân bố của bệnh
Ếch thường dễ bị mắc bệnh vào mùa mưa; đặc biệt là bệnh sẽ phát triển mạnh khi môi trường chăn nuôi quá dơ bẩn hoặc khi ếch bị shock.
Cách phòng trị bệnh hiệu quả
Phòng bệnh này bằng cách thường xuyên kiểm tra môi trường nước nuôi; nếu thấy nước dơ cần thay ngay bằng nước sạch; nuôi mật độ vửa phải, không gây ồn ào khiến ếch bị sốc. Bổ sung N9.100, Vitamin C Antistress vào thức ăn của ếch để tăng sức đề kháng.
Trị bệnh: Phát hiện bệnh sớm, điều trị sẽ rất hiệu quả. Dùng kháng sinh Kamoxin F, Oxytetracycline (3-5 g/kg thức ăn) hoặc Doxery trộn vào thức ăn dùng liên tiếp 5 – 7 ngày. Ngâm ếch trong dung dịch Vime – Iodine 200 1 lít cho 500 – 700 m3/ 30 phút.
- Đối với nòng nọc và ếch con: Dùng AMOX50 hoặc ENFA liều dùng 5g/1kg thức ăn trộn đều, ướp với VITA COMPLEX tỷ lệ 10g/1kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
- Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng FORTOCA hoặc C.F.D với tỉ lệ 5g/1kg thức ăn, trộn đều (hoặc dùng M1 với liều hướng dẫn) và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.
- Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng FORTOCA hoặc C.F.D với tỉ lệ 10g /1kg thức ăn (hoặc dùng M1 với liều hướng dẫn), trộn đều với thức ăn và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn hong gió cho khô rồi mang cho ếch ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.